Hiện nay có rất nhiều cách để trộn đất cho việc trồng cây, tùy theo mục đích mình trồng cây gì mà sẽ có một số loại phân tương ứng, nhưng về cơ bản thì sẽ gồm những bước sau:
1. Làm Đất Mới Trồng Lần Đầu:
- Đất thịt: 30% - 50% tùy loại đất đất phù sa hay đất ruộng... cần được nhăt sạch đá dăm, mầm cỏ và rễ cây.
- Giá thể thoát nước: 30% như tro trấu hun, trấu tươi, mùn dừa, xơ dùa, đá perlite, viên đất nung, đá vermiculit... nói chung nhà có gì dùng nấy không nhất thiết phải có tất cả các loại trên nhưng phải được xử lý sạch mầm bệnh trước khi trồng. Mục đích đảm bảo độ tơi xốp cho đất thoát nước nhanh và đất không bị bết lại làm cho cây bị úng rễ.
- Phân hữu cơ: 20-40% như phân bò, trùn quế, gà... ngoài ra còn bổ sung thêm một số loại phân đặc trưng cho cây như rau ăn lá thì có thể trộn thêm bột bánh dầu, phân đạm cá và rong biển với liều lượng 5%. Đối với cây ăn quả nên trộn thêm bột vỏ trứng gà, bột tôm cua ghẹ, phân lân để kích rễ, NPK...
- Ngoài ra nên trộn thêm nấm đối kháng trichoderma để tăng hệ vi sinh cho đất giúp đẩy nhanh quá trình phân hủy các chất hữu cơ, đối với dây leo, cây cà chua nên trộn chế phẩm trị héo xanh, hoặc chế phẩm trị bắt tuyến trùng rễ....
2. Cải Tạo Đất Đã Qua Sử Dụng:
- Sau 1-3 lứa trồng đất sẽ bị thoái hóa và hao hụt đi rất nhiều do quá trình canh tác chịu một số tác động như tưới nước làm đất nén chặt lại, rễ cây nhiều trong đất, đất có côn trùng nấm bệnh gây hại, đất bị hết chất dinh dưỡng...
- Để đất khô ráo nên lựa ngày nắng đẹp đổ đất ra đập nhuyễn nhặt sạch rễ cây, làm cho đất tơi mịn, nên thêm vôi theo tỷ lệ 1/100 trộn đều và ủ đất lại bằng bạt ni lông tưới ẩm để diệt nấm bệnh và sát khuẩn và cân bằng độ PH cho đất từ 7-15 ngày.
- Sau đó lấy đất đã xử lý sạch trộn thêm phân bón hữu cơ và tùy theo độ tơi xốp của đất mà trộn thêm giá thể thoát nước cho hợp lý, cuối cùng trộn thêm nấm đối kháng và một số chế phẩm phòng bệnh cho cây và bắt đầu vụ mới...
Trên đây là một số kinh nghiệm mà bản thân mình học hỏi cũng như đúc kết lại sau một thời gian trồng trên sân thượng.